Friday, December 2, 2011

HOÀNG HỮU PHƯỚC - MỘT ĐẠI BIỂU LƯNG DÀI – ÓC… NGẮN

Tiếng Dân Việt

Hoàng Hữu Phước (ảnh: Tuổi Trẻ)

          Trong khi người dân cả nước và đa số các Đại biểu Quốc hội Việt Nam đang mong muốn có một luật biểu tình được xây dựng và sớm đưa vào sử dụng trong xã hội, ngay cả ông thủ tướng cộng sản Việt Nam (CSVN) Nguyễn Tấn Dũng cũng đã nhận ra điều bức xúc này trong nhân dân nên cũng đã đề nghị quốc hội xem xét thì ông đại biểu Hoàng Hữu Phước đề nghị ngược lại: “Chưa cần luật biểu tình vì dân trí còn thấp”.
          Theo tin từ báo Tuổi Trẻ trong nước: “Bên lề phiên họp Quốc hội sáng 17-11-2011, trả lời Tuổi Trẻ, đại biểu Hoàng Hữu Phước đề xuất đợi đến khi nào trình độ dân trí cao hơn và kinh tế ổn định hơn thì mới có thể ban hành Luật biểu tình”. Trong khi đó, điều 69 Hiến pháp năm 1992 qui định: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí; có quyền được thông tin; có quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo hiến pháp qui định”. Như vậy, tính đến nay thì qui định này đã ra đời gần 20 năm trong hiến pháp của chế độ CSVN, nhưng bản thân nó vẫn không được triển khai cho toàn dân được hưởng quyền căn bản của họ. Hơn nữa, trong Hiến pháp năm 1959 của chế độ cộng sản miền Bắc, trong chương 3 và điều 25 đã có đề cập đến quyền công dân mà cụ thể là quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, quyền được thông tin, quyền hội họp, lập hội…
          Những câu hỏi được đặt ra là: Trong khi dân tộc ta vẫn luôn tự hào đã có truyền thống hàng nghìn năm văn hiến, giờ dân trí Việt Nam còn quá thấp sao? Thế mà chế độ CSVN từng rêu rao Việt Nam đang ở đỉnh cao trí tuệ. Vậy thì trí tuệ này chỉ “ngự” trên đầu một nhóm chóp bu của đảng cộng sản, còn toàn dân thì thấp kém, ngu đần à? Nếu thật sự như vậy thì chính sách “ngu dân” của chế độ CSVN trong hơn 65 năm qua đã quá thành công.
          Thứ hai, nhận định của ông đại biểu Hoàng Hữu Phước hoàn toàn trái ngược với những gì mà những “cái loa phát thanh” và báo chí “lề phải” của CSVN tuyên bố là: Kinh tế Việt Nam đang trở thành con rồng châu Á”. Vậy thì những tuyên bố này hoàn toàn láo phét so với nhận định của ông Hoàng Hữu Phước. Thực chất, ông Hoàng Hữu Phước nói đúng, vì kinh tế Việt Nam chỉ đang ổn định ở một nhóm người mà đa số là cán bộ nhà nước, còn dân lao động ở thành thị và dân đen ở nông thôn thì vẫn còn nghèo “rớt mồng tơi”.
          Biểu tình là một trong những quyền cơ bản của công dân và là quyền tối thượng đã được hiến pháp qui định và thừa nhận, nó mang tính đặc trưng của một chế độ dân chủ và nhà nước pháp quyền mà hiện nay nhận loại trên toàn cầu đã và đang hưởng ứng. Một đại biểu quốc hội đại diện cho nhân dân mà đi ngược lại quyền lợi và lợi ích căn bản của người dân thì hoàn toàn không xứng đáng. Hơn nữa, điều ông nhận định dân trí Việt Nam thấp là cố tình hạ thấp và sỉ nhục nền dân trí Việt Nam, đảng CSVN cần xem xét ông đại biểu này. Đây là một hành động phỉ báng dân tộc, một tên phản động tầm cỡ quốc gia đã đi ngược lại chủ trương của chính phủ CSVN và nguyện vọng của toàn dân.
          Vì không có luật biểu tình cụ thể cho xã hội Việt Nam hiện nay, nên trong thời gian vừa qua, các cuộc biểu tình tự phát của những người yêu nước ở hai thành phố lớn như Sài Gòn và Hà Nội xuống đường để phản đối việc Trung cộng xâm chiếm hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam đã bị bóp nghẹt. Các cuộc biểu tình ở Sài Gòn đã bị “chết yểu” từ những tuần đầu, riêng người dân yêu nước ở Hà Nội còn “lây lất” đến tuần thứ 12, 13… thì bị dẹp tan, bởi không có luật biểu tình bảo vệ quyền chính đáng của họ nên tất cả đã bị bắt giam, sách nhiễu bằng nhiều cách. Đến đầu tháng 11 – 2011, nhũng người được xem là trụ cột, can đảm nhất trong nhóm “yêu nước ngày Chủ nhật quanh hồ Gươm” cũng đã bị bắt nguội, bị hành hạ đánh đập và cưỡng chế đưa về đồn như các anh: Lê Dũng, Lã Việt Dũng, Phạm Chính, Luật sư Lê Quốc Quân, JB. Nguyễn Hữu Vinh… Riêng anh Nguyễn Lân Thắng bị đánh đến ngất phải đưa đi bệnh viện cấp cứu.
          Vì không có luật biểu tình bảo vệ nên các nhân vật tham gia biểu tình chống dự án khai thác bô-xít ở Tây nguyên và lãnh thổ Hoàng Sa - Trường Sa bị xâm chiếm đã bị đàn áp dã man, không lối thoát. Đặc biệt là anh Điếu cày Nguyễn Văn Hải bị bắt bỏ tù, đến nay đã mãn hạn tù theo tuyên án nhưng anh vẫn bị biệt tăm một cách bí mật. Riêng đạo diễn Song Chi thì phải chịu cảnh tỵ nạn chính trị, trong khi chị là một tài năng đạo diễn nghệ thuật có uy tín trong nước… Cho đến bao giờ luật biểu tình chưa ra đời thì người dân Việt Nam yêu nước vẫn tiếp tục bị đàn áp và bị tù đày oan uổng. Vì yêu nước là có tội. Xã hội Việt Nam đã xuất hiện một loại tội danh mới: Tội yêu nước.
          Đại biểu quốc hội là do đảng cử, dân bị ép phải đi bầu. Nhưng đành rằng dân đã bầu lộn, còn đảng thì cử nhầm một con người có lưng dài nhưng óc… ngắn, làm hình mẫu cho “đỉnh cao trí tuệ” của họ.

No comments:

Post a Comment